MISS EDE - Doanh nghiệp SIB tạo giá trị cạnh tranh khác biệt

MISS EDE - Doanh nghiệp SIB tạo giá trị cạnh tranh khác biệt

[TheLEADER] Doanh nghiệp SIB tạo giá trị cạnh tranh khác biệt 

Bài viết gốc: Xem trên TheLEADER

Đặng Hoa Thứ năm, 08/08/2024 - 09:01 

Các doanh nghiệp SIB (tạo tác động tích cực tới xã hội trong quá trình kinh doanh) với quy mô nhỏ và siêu nhỏ đang tạo những giá trị cạnh tranh khác biệt. 

Trong những năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng bền vững đang ngày càng được các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu quan tâm hơn. Đặc biệt việc công bố báo cáo phát triển bền vững công khai đi kèm báo cáo tài chính là một trong những yêu cầu đã trở thành bắt buộc với các doanh nghiệp đại chúng thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như nhiều nước trên khắp thế giới.

Tại Việt Nam, chưa có những quy định bắt buộc chung được luật hóa. Tuy nhiên nhiều công ty lớn trong nước có hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp thuộc EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, hoặc trong các ngành nghề đặc thù như hàng không, năng lượng hóa thạch,… cũng đã ráo riết thực hiện việc đánh giá tác động của doanh nghiệp cho môi trường – xã hội và quản trị (ESG).

Dựa trên khung đánh giá của các tổ chức uy tín như IFC (Tổ chức Tài chính quốc tế), thông qua tổ chức thứ ba, các doanh nghiệp lớn này tại Việt Nam đã chứng minh được cho đối tác và người tiêu dùng quốc tế thấy rằng, doanh nghiệp Việt đã sớm đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe về ESG.

Thậm chí, theo công bố của tổ chức chứng nhận 4C, từ tháng 5/2024, Việt Nam đã có một doanh nghiệp về xuất khẩu tại Đắk Lắk là đơn vị đầu tiên trên toàn cầu hoàn thành đầy đủ và được cấp chứng chỉ về tuân thủ luật sản phẩm không xâm lấn rừng tự nhiên EUDR của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ 30/12/2024 tới.

Tuy nhiên nhìn lại thực tế hiện nay tại Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Việc tiếp cận với các yêu cầu về đánh giá và công bố phát triển bền vững ESG gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về mặt chi phí và bắt buộc chưa có.

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nước ta phần đa mới ở giai đoạn sơ khai hoặc mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên. Với đặc thù nguồn vốn và thông tin giới hạn, việc tiếp cận và xây dựng cho mình bộ đánh giá hay báo cáo về ESG là bất khả thi. 

Những thực trạng nêu trên cùng với bất lợi về quy mô sản phẩm và khả năng tiếp cận vốn tạo thêm bất lợi về giá thành sản xuất đã khiến cho năng lực cạnh tranh của nhóm doanh nghiệp này sẽ ngày càng yếu đi.

Định hình chiến lược

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thông qua nguồn vốn hỗ trợ các tổ chức quốc tế và dẫn dắt bởi Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhiều dự án và hoạt động nhằm hỗ trợ nhóm các SIB tại Việt Nam phát triển. 

Doanh nghiệp SIB là tổ chức đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có mô hình kinh doanh thể hiện mục tiêu kép về kinh doanh và tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Thông qua những dự án này, nhiều cộng đồng các doanh nghiệp SIB tại Việt Nam đã được hình thành, với xuất phát điểm phần lớn đến từ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa; cùng với đó là các hợp tác xã trên khắp cả nước.

Các doanh nghiệp SIB với quy mô nhỏ và siêu nhỏ đang tạo ra giá trị cạnh tranh khác biệt

Chia sẻ với TheLEADER, ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập của nhãn hàng MISS EDE, một SIB chuyên về các sản phẩm sô cô la và cà phê đến từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho hay, thông qua các dự án hỗ trợ đào tạo về kiến thức, kỹ thuật và vốn hạt giống ban đầu như ISEE COVID, IMAP choice, Én Xanh… 

MISS EDE cũng như nhiều SIB khác trên khắp cả nước đã định hình cho mình được chiến lược phát triển cho doanh nghiệp đi kèm tác động tích cực cho xã hội một cách hệ thống hơn.

Trước đó, xu thế nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với người sáng lập là một bộ phận người trẻ phát triển kinh doanh tập trung vào đạo đức kinh doanh nhân văn đã nhen nhóm ở trên khắp cả nước. 

Nhưng hầu hết doanh nghiệp trong đó đều hoạt động theo bản năng hoặc quan điểm chủ quan của người sáng lập. Chưa có bất cứ một khung hướng dẫn nào giúp cho các doanh nghiệp nhóm này biến những hoạt động nhân văn đó trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như tạo ra động lực thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp và xã hội.

“Hiện nay, MISS EDE cùng nhiều doanh nghiệp SIB đã có thể lượng hóa những tác động tích cực của doanh nghiệp mình tới môi trường và xã hội thành số liệu cụ thể. Cũng như doanh nghiệp đã có những khung đánh giá cơ bản nhằm giúp các SIB chủ động tham gia vào tiến trình phát triển bền vững của chính doanh nghiệp”, ông Hữu nói.

Theo kết quả được công bố trong Sách trắng SIB Việt Nam 2023 của dự án ISEE COVID, một dự án được vận hành bởi chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC), hiện nay, nhiều SIB tại Việt Nam đã sẵn sàng cho mình kiến thức và kỹ thuật để có thể chủ động tiếp cận khung đánh giá toàn diện hơn dựa trên những tác động hiện có.

Ông Hữu cho biết, ngoài việc giúp các SIB chủ động tự đánh giá tác động của mình nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thuyết phục các nhà mua hàng là những tập đoàn bán lẻ lớn cần tìm kiếm nhà cung cấp bền vững, việc tham gia dự án ISEE COVID đã giúp MISS EDE bước đầu tư xây dựng được báo cáo ESG.

Doanh nghiệp này hy vọng, việc sớm minh bạch hóa những tác động cũng như mô hình hóa để kiểm soát các tác động của doanh nghiệp tới môi trường, xã hội và quản trị đi cùng với minh bạch hóa báo cáo tài chính, các SIB sẽ sớm có cơ hội tiếp cận thêm được một nguồn vốn đầu tư quan trọng hiện nay như “tín dụng xanh”, “trái phiếu xanh” hay “trái phiếu xã hội”.

“Việc trở thành một doanh nghiệp SIB đã từng là một mục tiêu khó và trừu tượng với chúng tôi” ông Hữu chia sẻ.

Có thời điểm, ông nghĩ rằng việc kinh doanh có đạo đức tốt đi kèm những hoạt động nhân văn sẽ giúp cho nhà mua hàng “yêu thương mình” và mua hàng doanh nghiệp mình như một cách để “ủng hộ” doanh nghiệp Việt có tâm.

Tuy nhiên, khi đã được nâng cao nhận thức thông qua ISEE COVID, MISS EDE đã có thể tạo ra lợi thế lớn về mặt “tác động xã hội”, và một phần nào đó giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy khách hàng từ “mua hàng ủng hộ” sang “mua hàng vì sản phẩm những tác động tích cực cho xã hội minh bạch”.

Với xu thế người tiêu dùng trẻ và thành thị trong nước và khắp nơi trên toàn cầu quan tâm nhiều hơn về nguồn gốc cũng như những giá trị nhân đạo mà sản phẩm mang lại, thì việc các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam chuyển mình trở thành một SIB trước khi có đủ năng lực tài chính và quy mô trở thành doanh nghiệp ESG hoàn toàn là một hướng đi mới và đáng khuyến khích tại Việt Nam.

 

 


← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận